Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

[Tin Tức] Đôi lời về World Cyber Games Việt Nam 2011

Rất nhiều bạn có chung quan điểm giống như một bài viết trước đó nhận định World Cyber Games 2011 là một thất bại của eSports Việt ...



Trước hết, tôi muốn khẳng định rằng mình không có ý định phản bác gì quan điểm của bạn tác giả bài viết "WCG 2011: Thành công nhỏ và nỗi buồn lớn" trên trang GenK. Trong suy nghĩ của tôi thì đó là bài viết xuất phát từ cách nhìn nhận của một game thủ, hoặc của một người đã từng tham gia các sự kiện Thể thao điện tử cách đây vài năm, họ có lý do để tin rằng những sự khác biệt của World Cyber Games 2011 là một thất bại, là nốt trầm của cộng đồng eSports Việt. Tôi tôn trọng ý kiến đó và tôi cũng tin rằng nhiều người trong số các bạn độc giả có cùng suy nghĩ như vậy.

Tuy nhiên, với tư cách của một người chơi eSports, làm eSports và đã tham gia World Cyber Games Việt Nam 7 năm trở lại đây với đầy đủ các cương vị từ game thủ, game thủ đoạt giải, trọng tài, trưởng trọng tài và rồi là Ban tổ chức, tôi muốn chia sẻ thêm với các bạn một chút về cách nhìn của tôi với xu thế eSports hiện đại nói chung và giải đấu World Cyber Games nói riêng. Các bạn có thể nghĩ giống hoặc khác tôi, nhưng trước hết, xin các bạn nhớ rằng tôi đã trải qua đủ những cảm xúc các bạn đã từng có, đối mặt với đủ những vấn đề các bạn đã và đang suy nghĩ, và không phải ai trong các bạn cũng yêu eSports nhiều như tôi đâu.


World Cyber Games quy mô nhỏ vẫn còn hơn là không có


Với những người có quan tâm đến tình hình kinh tế thế giới, hẳn các bạn nắm được thông tin về cuộc khủng hoảng kinh tế bùng phát vào giai đoạn 2007-2008 và cho đến giờ vẫn còn những dấu hiệu bất ổn. Cuộc khủng hoảng này đánh rất mạnh vào các đơn vị sản xuất kinh doanh đủ các mặt hàng sản phẩm trên thế giới, đương nhiên, SAMSUNG - hãng sản xuất điện máy hàng đầu không đứng ngoài tầm ảnh hưởng. Trên bình diện quốc tế, SAMSUNG cũng sử dụng hàng loạt biện pháp cắt giảm nhân sự, cắt giảm ngân sách để cân đối lại cho phù hợp, và khoản cắt giảm đầu tiên bị tính đến là ngân sách marketing.


Kể từ sau WCG 2008 hoành tráng, SAMSUNG đã không còn rót tiền cho WCG Việt Nam.

Bản chất của World Cyber Games - kỳ đại hội Thể thao điện tử lớn nhất thế giới cũng chính là một trong những sự kiện marketing hằng năm do SAMSUNG tài trợ. Và thực tế là hàng loạt quốc gia trong khu vực Châu Á như Đài Loan, Thái Lan hay Việt Nam đã được liệt vào danh sách "biến mất" kể từ thời điểm đó, nếu như không có sự xuất hiện của Rapture Gaming - đơn vị đứng ra tổ chức WCG Việt Nam từ năm 2009 tới nay. Khi mà đơn vị tổ chức thay đổi từ một tập đoàn toàn cầu khổng lồ chuyển sang thành một công ty chuyển tổ chức sự kiện của Singapore phải hoàn toàn tự túc chạy tài trợ từ A đến Z, quy mô tổ chức của giải đấu bị thu hẹp là điều tất yếu.

Rõ ràng so với không được tổ chức thì việc WCG 3 năm qua diễn ra một cách "nhỏ bé" hơn là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được trong tình trạng kinh tế toàn cầu suy thoái và mọi nhóm ngành đều trong tình trạng khó khăn. Vì vậy, tôi mong rằng các bạn đã hiểu hơn về việc tại sao giờ đây WCG chỉ còn được tổ chức vòng loại tại Hà Nội, số lượng game thi đấu bị giảm hay hằng năm chỉ có FIFA là bộ môn duy nhất có game thủ đi thi đấu quốc tế. Tất cả chúng ta đều đang "lết" qua một quãng thời gian khó khăn của eSports Việt, ngay cả những người trong Ban tổ chức - vốn dĩ đều là các game thủ eSports đầy kinh nghiệm trước kia đều không muốn chuyện này xảy ra chút nào cả. Bản thân tôi cũng mong chờ cái ngày World Cyber Games trở lại với đúng tầm vóc của nó hơn bao giờ hết. Còn khi điều kiện vẫn khó khăn thì lựa chọn tổ chức WCG quy mô nhỏ là điều cần thiết để giữ lửa, giữ cả niềm tin cho eSports Việt.

World Cyber Games Việt Nam 2011 có tổng cộng 11 suất đến Busan thi đấu vòng chung kết World Cyber Games. Trong đó 1 cho FIFA, 5 cho DotA 2: Chiến Thần và 5 cho Đột Kích. Đây có lẽ là năm đoàn Việt Nam có số lượng game thủ dự Grand Final đông nhất từ trước đến nay, và cũng là dấu hiệu vô cùng khả quan so với 2 kỳ WCG 2009 và 2010.


Rào cản eSports truyền thống - eSports phong trào


Đây cũng là một chủ đề tương đối nhạy cảm trong suốt một thời gian dài, kể từ khi ESVN còn hoạt động và họ bắt đầu phổ biến rộng rãi những kiến thức về "game eSports phong trào" của các đơn vị tài trợ. Tất nhiên, điều này nhận lại sự phản đối quyết liệt từ phía cộng đồng game thủ eSports "truyền thống" vốn cực kỳ phát triển vào giai đoạn 2006-2008, họ cảm thấy rất kỳ cục khi xếp CrossFire chung hàng ngũ với Counter Strike, FIFA Online 2nd chung với FIFA Soccer hay Audition thì càng không thể nào được nhắc tới cùng với tượng đài StarCraft.


IeSF đưa FIFA Online 2nd và Sudden Attack vào nội dung thi đấu chính thức.

Nhưng bạn ạ, hãy nhìn vào bản chất của các trò chơi: Call of Duty, A.V.A, Sudden Attack, CrossFire hay Counter Strike thì đều là game FPS, đều có thể thức thi đấu đối kháng gần như giống nhau và đều chứa đựng các yếu tố cơ bản nhất để được coi là game eSports. Đồng ý rằng so với SA hay CF thì Counter Strike đã trở nên quá mẫu mực và là một tượng đài không thể bị lãng quên, nhưng việc đó không có nghĩa rằng chỉ Counter Strike mới là game eSports, còn các tựa game khác thì không. Nếu như cái mác "eSports phong trào" được dán lên trong thời gian đầu tiên để tránh những phản ứng quà đà từ phía game thủ thì giờ đây, sau một vài năm và cả "thời" lẫn "thế" đã thay đổi quá nhiều, xin hãy có sự nhìn nhận đúng đắn và khách quan hơn về chúng.

Q9 Gaming đã đại diện cho Việt Nam thi đấu và giành hạng 2 bộ môn Sudden Attack tại IeSF 2008 - giải đấu chào mừng hội nghị của tổ chức Thể thao điện tử quốc tế tại Hàn Quốc. 3H|L2vn Tô Trung Hiếu - ông vua của làng FIFA Việt Nam cũng tham gia giải đấu nói trên ở bộ môn FIFA Online 2nd cùng với Styla & Hero - những huyền thoại của làng eSports thế giới nói chung và FIFA nói riêng hay 1st.VN - gaming vốn nổi tiếng với đội Counter Strike mạnh đã giành chức vô địch WCG Việt Nam 2011 môn Đột Kích, qua đó lấy suất dự vòng chung kết thế giới.

Đó đều là những ví dụ điển hình cho thấy vị thế của những trò chơi mà chúng ta vẫn gọi là "game online, eSports phong trào" đang được đẩy rất mạnh trong suốt thời gian qua. Ban tổ chức World Cyber Games Việt Nam đưa CrossFire và Chiến Thần vào danh sách game thi đấu, lý do lớn nhất là bởi WCG thế giới đều đã công nhận chúng là game eSports và đưa vào danh sách game chính thức. Mọi hoạt động của các cộng đồng này có thể kém chuyên nghiệp hơn so với các cộng đồng đi trước (nhiều năm), nhưng nên nhớ rằng họ được bảo trợ và định hướng bởi các tổ chức có tiềm lực kinh tế rất mạnh. Khi người ta có cả tiền và lý lẽ đúng, bất chấp việc các bạn nhìn nhận thế nào, những tựa game nói trên đã và vẫn sẽ được coi là Thể thao điện tử. Bạn có chắc cách tư duy của mình là không lỗi thời và còn phù hợp với tình trạng hiện nay cũng như xu thế phát triển trong tương lai của eSports thế giới?


Và Q9 Gaming cũng đã đoạt hạng nhì trong cuộc đấu súng với những cao thủ thế giới.

Tôi đã chơi FIFA từ 12 năm nay và thực sự bước vào proscene đã 7 năm, tôi yêu và hiểu trò chơi này. Vì thế, có đánh chết tôi cũng không thể nào thích được FIFA Online 2nd, vốn đã được "đổi mới" quá nhiều khi được đặt vào tay nhà phát hành VTC Game. Tôi có thể không thích trò chơi, nhưng không thể nào phủ nhận trắng trơn rằng vị thế của FIFA Online 2nd đã rất khác, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên khắp các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Trong nước, cộng đồng này cực kỳ đông đảo và nhiệt tình, VTC Game cũng cung cấp cho họ hệ thống giải đấu kéo dài xuyên suốt và hấp dẫn, nó eSports chứ là gì? Vì vậy, tôi nghĩ rằng giải pháp tối ưu cho cộng đồng FIFA truyền thống của tôi là mọi người tiếp tục cố gắng xây dựng nó, truyền lửa và thắp sáng đam mê cho những thế hệ tiếp sau, thay vì ngồi than vãn.


Chiến Thần là game mới xuất hiện tại WCG, và Garena có gì sai khi quan tâm chăm sóc cho khách hàng của họ?

Nếu bạn cũng yêu thích bộ môn mà mình theo đuổi, xin hãy có những hành động tích cực để dựng nó dậy, bắt đầu bằng việc có cái nhìn đúng đắn và tích cực hơn về các game eSports cùng dòng. Hãy giải quyết vấn đề ngay từ chính bản thân mình chứ đừng áp đặt những suy nghĩ tiêu cực lên các đối tượng khác, Đột Kích và Chiến Thần đã bước chân vào World Cyber Games thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng một cách rất đàng hoàng bạn ạ. Nhớ đến và tri ân các giá trị của ngày hôm qua là điều tốt, nhưng bắt tay vào hành động mới đem lại kết quả trong tương lai, điều này đúng cho tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống, không riêng gì với eSports.

Như đã nói ở phần 1, WCG Việt Nam từ 3 năm nay đã phải tổ chức ở quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với trước đó vì không nhận được nguồn tài trợ dồi dào từ phía SAMSUNG. Ngay ở khâu đăng ký thi đấu, tôi để ý Ban tổ chức cũng đã ghi rất rõ rằng SỐ LƯỢNG GAME THỦ ĐĂNG KÝ CÓ HẠN, mời các bạn nhanh chân đăng ký kẻo muộn. Ban tổ chức ý thức được rằng quy mô thay đổi, địa điểm thi đấu tại Hà Nội cũng đã chuyển từ nhà thi đấu Bách Khoa về CYZONE Center, và số lượng người tham gia sự kiện cũng chỉ nên ở mức "vừa vặn" để không ảnh hưởng đến công tác tổ chức do địa điểm và quy mô không cho phép.



Giải đấu nào chẳng đông vào ngày đầu tiên và vắng người vào ngày thứ 2, khi chỉ còn số ít trận đấu cuối cùng diễn ra?

WCG Việt Nam 2011 diễn ra với 3 bộ môn đồng đội (1 team 5 người) là DotA với 47 đội, Đột Kích với 40 đội và Chiến Thần với 8 đội thi đấu (con số thực tế, danh sách đăng ký online đông hơn rất nhiều). Chưa kể FIFA và Sushido vốn không đáng kể, bạn cứ thử nhân những con số trên với 5 thì sẽ ra được số lượng game thủ có mặt tại CYZONE vốn chỉ được thiết kế cho hơn 200 người sử dụng cùng lúc trong ngày thi đấu thứ nhất. Ngày thi đấu thứ 2 khi vốn dĩ chỉ còn lại khoảng 8 đội game/game thủ ở mỗi bộ môn lọt vào vòng đấu sau cùng thì việc số lượng game thủ xuất hiện giảm hẳn là điều đương nhiên ... Tại vòng chung kết quốc gia World Cyber Games 2006 trong TP.HCM, tôi đếm đi đếm lại cũng chỉ tầm hơn chục game thủ đoạt giải chúng tôi ở lại quãng thời gian buổi chiều muộn trong ngày thi đấu thứ 2 để nghe ban nhạc Bức Tường chơi nốt bài "đường đến ngày vinh quang", đó là thực tế rất rõ ràng ở các sự kiện eSports.

Còn về công tác tổ chức, với sự xuất hiện của các trưởng trọng tài vốn đã quá kinh nghiệm và quen mặt trong nhiều giải đấu trước, việc WCG Việt Nam 2011 chạy chương trình một cách trơn tru và gần như hoàn hảo là điều có thể hiểu được.


Lửa trong tâm


5 năm trước, khi tôi và những người anh em của mình chung tay xây dựng proArmy Gaming và cộng đồng FIFA Việt Nam, chúng tôi mới chuẩn bị tốt nghiệp cấp 3, còn bây giờ người trẻ nhất cũng đã gần tốt nghiệp đại học. Thời gian thì chẳng chừa một ai, và khi bạn lớn lên, sẽ còn nhiều thứ quấn lấy chân, khiến bạn không còn giữ được sự nhiệt huyết của mình với những đam mê trước đó, thực tế này rất dễ hiểu và tự nhiên thôi. Bạn có nhiều lựa chọn: đi tiếp, dừng lại và rẽ sang hướng mới hay tìm lấy thế hệ kế cận, giúp họ "đủ lông đủ cánh" thay mình rồi mới rẽ, thực ra thì lựa chọn nào cũng đúng cả, đơn giản chỉ là bạn chọn cách nào.



Tôi cho rằng WCG Việt Nam 2011 không hề thất bại, ngược lại nó còn rất thành công trong việc gieo lên những nét mới về eSports chuyên nghiệp cho các cộng đồng non trẻ lần đầu tiên bước chân vào giải đấu danh giá này. WCG là cơ hội để chúng ta gặp gỡ nhau, là công cụ để phát triển eSports và là một sự kiện quan trọng, chứ tuyệt đối không có tầm ảnh hưởng lớn tới mức làm cho một cộng đồng "tắt ngấm" - trừ khi là bản thân họ tự muốn tắt. Lửa nhiệt huyết của Counter Strike, của StarCraft hay WarCraft III nằm trong cái tâm của mỗi game thủ, bạn hãy tự hỏi bản thân mình có còn muốn gắn bó, có còn muốn dành trọn vẹn thời gian của mình cho eSports nữa hay không? Nếu không còn thì đừng nói 1, ngay đến 10 cái World Cyber Games mỗi năm cũng chẳng mang lại được cho bạn cái cảm giác hừng hực tuổi trẻ ngày nào.

Tôi thì còn, không nhiều như cách đây vài năm đâu, nhưng vẫn đủ dùng ...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét