Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

[Công Nghệ] Dọn dẹp máy tính để bàn của bạn đúng cách

Máy tính cũng cần được vệ sinh đúng cách để có thể hoạt động với hiệu suất tốt hơn và có độ bền cao hơn.

Hiện nay ở Việt Nam hai yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất tới hoạt động và tuổi thọ của máy tính và các kinh kiện là bụi bẩn và thời tiết nóng ẩm. Sau một thời gian sử dụng thì chắc hẳn chiếc PC lâu năm của bạn sẽ bị bám bụi cả ở bên trong lẫn bên ngoài đặc biệt là ở những chiếc quạt tản nhiệt và lổ thông gió. Hiển nhiên là khi đó đường lưu thông khí sẽ bị cản và những bộ phận bên trong sẽ không được tản nhiệt tốt. Chúng cũng sẽ bị bám bụi và phải hoạt động ở nhiệt độ cao. Điều này chắc chắn sẽ làm cho các thành phần phần cứng bị giảm tuổi thọ khá nhiều. Vì vậy, vệ sinh máy tính là một việc quan trọng cần được thực hiện đều đặn theo chu kỳ khoảng 3 tháng đến 6 tháng một lần. Tùy thuộc vào môi trường và điều kiện nơi đặt máy mà bạn nên tiến hành vệ sinh máy nhiều hay ít.

Các bước chuẩn bị:

Bạn không nên mở case trong khi PC đang chạy. Đầu tiên, để an toàn cho chiếc máy tính thân yêu, bạn nên rút tất cả các loại cáp kết nối gắn với PC của bạn như cáp USB, cáp âm thanh, cáp video và đặc biệt là cáp nguồn.



Bạn chỉ nên vệ sinh máy khi đã rút điện nguồn khoảng 2 phút đến 5 phút để tránh trường hợp PC còn tích điện.


Tiếp theo, hãy chuyển máy tính của mình đến một khu vực thông thoáng và đủ sáng. Để tránh hít phải bụi khi làm vệ sinh máy thì bạn nên đeo khẩu trang.

Các công cụ

Trước khi vệ sinh máy tính, bạn sẽ cần phải chuẩn bị một số dụng cụ để làm vệ sinh. Tuyệt đối không nên sử dụng máy hút bụi vì nó có thể gây ra hiện tượng tích điện và gây hại cho những thành phần quan trọng máy như bo mạch chủ, card đồ họa và RAM. Dưới đây là một vài công cụ bạn cần chuẩn bị cho việc vệ sinh máy tính.

- Bộ ốc vít.
- Bình xịt khí nén: Bạn có thể tìm mua ở các cửa hàng chuyên bán các linh kiện máy tính.
- Khăn lau mềm.
- Kéo.
- Bông gạc.
- Keo tản nhiệt.
- Dây buộc cáp.


Nếu có thể, bạn hãy sử dụng một cây bút lông để có thể phủi bụi ở những nơi mà khí nén không thể thổi tới được. Bây giờ thì bạn đã có thể bắt đầu tiến hành công việc vệ sinh máy tính được rồi. Trước tiên hãy mở case máy tính.


Sau khi mở case, bạn hãy tháo tất cả các các loại cáp nối với bo mạch chủ.


Để quá trình làm vệ sinh máy được dễ dàng hơn thì bạn nên tháo ra các thành phần phần cứng như RAM, card đồ họa và ổ đĩa cứng để tiến hành vệ sinh từng phần.


Việc tháo CPU là không bắt buộc vì khi tháo CPU ra cũng đồng nghĩa với việc bạn phải thay lớp keo tản nhiệt. Nếu bạn có keo tản nhiệt trong tay và muốn tháo CPU thì hãy nhớ làm sạch lớp keo tản nhiệt cũ trên CPU bằng vải mềm thấm cồn rồi mới bôi keo mới. Sau khi đã hoàn thành công việc vệ sinh máy tính và lắp đặt lại CPU, bạn hãy bôi lên CPU một lớp keo tản nhiệt mới rồi mới lắp quạt tản nhiệt cho CPU. Hầu hết người dùng khi vệ sinh máy tính thường không hay tháo CPU và quạt tản nhiệt của nó vì cũng khá khó để bụi có thể len lỏi vào trong đó. Tuy nhiên lựa chọn vẫn thuộc về bạn.

Vệ sinh máy

Để bắt đầu vệ sinh máy tính, bạn hãy tiến hành làm sạch các thiết bị phần cứng vừa được tháo ra. Dùng bình xịt khí nén để thổi vào các khu vực bị bám bụi. Với card đồ họa, bụi thường tích tụ xung quanh các cổng giao tiếp vì thế bạn nên chú ý tới khu vực này khi vệ sinh card đồ họa. Để thổi bụi cho quạt tản nhiệt trên card đồ họa, bạn hãy sử dụng một cây bút đặt ở giữa các cánh của quạt tản nhiệt để ngăn không cho nó quay khi thổi khí nén vào trong đó.


Tiếp theo hãy bắt đầu vệ sinh bên trong case máy tính. Trước tiên là các khe cắm RAM, bạn hãy đặt đầu thổi bụi của bình xịt khí nén vào các khe cắm RAM sau đó bắt đầu thổi bụi. Khi thổi bụi, bạn hãy di chuyển đầu thổi bụi dọc theo khe cắm RAM để có thể làm sạch bụi một cách toàn bộ cho khe cắm RAM. Bạn hãy tiếp tục làm như thế cho các khe cắm RAM còn lại.


Tiếp theo hãy làm sạch các thiết bị lớn hơn ở bên trong case máy như quạt CPU và bộ nguồn. Cũng giống như khi thổi bụi cho quạt tản nhiệt trên card đồ họa, bạn nên sử dụng một cây bút, để ngăn không cho quạt tản nhiệt quay khi thổi khí nén.


Bạn cũng có thể làm sạch các quạt tản nhiệt bằng cách dùng tăm bông lau các cánh quạt. Công việc này hơi mất thời gian nhưng các quạt tản nhiệt sẽ sạnh lên trông thấy. Tiếp tục sử dụng bình khí nén để thổi bụi toàn bộ các thành phần bên trong thùng máy. Bụi có thể sẽ rơi xuống phía dưới của case, bạn có thể sử dụng bình xịt khí nén để thổi bụi đi hoặc bạn cũng có thể dùng một chiếc khăn lau ẩm để lau bụi.


Bạn cũng đừng nên quên làm sạch các quạt tản nhiệt, lỗ thông hơi và các khay chứa của case.


Thắt gọn cáp

Bước tiếp theo này là không bắt buộc. Không được gọn gàng ở bên trong như các PC được sản xuất một cách hàng loạt, bên trong case của các PC được người dùng tự lắp ráp sẽ khá lộn xộn với các loại dây cáp. Vì vậy sẽ tốt hơn cho việc tản nhiệt trong máy nếu các loại dây cáp được sắp xếp một cách gọn gàng. Để thực hiện việc này bạn sẽ cần sử dụng dây buộc cáp. Dây buộc cáp cũng có bán rất nhiều ở các cửa hàng máy tính, bạn hãy chọn loại dây đủ dài để buộc cáp.


Bạn hãy ngắt tất cả các loại cáp ra để tiện cho việc gom cáp.


Sau đó bạn hãy gom các dây cáp lại sao cho gọn gàng bằng cách dùng dây buộc cáp để buộc chúng lại các. Khi sử dụng dây buộc cáp, bạn hãy buộc dây bên ngoài dây sau đó thắt chặt dây buộc cáp hết mức có thể. Tiếp theo, bạn có thể dùng kéo để cắt các đoạn dây thừa.


Sau khi gom các loại dây cáp, bạn hãy sắp xếp lại chúng để thùng máy được gọn gàng.


Lắp lại máy


Tiếp theo, bạn hãy cắm các loại dây cáp vào đúng vị trí của chúng. Nếu không nhớ rõ vị trí của các loại cáp bạn hãy tham khảo tài liệu đi kẻm theo máy tính để tránh việc cắm cáp sai. Sau đó hãy tiến hành lắp đặt lại các thành phần phần cứng đã được tháo ra trước đó như card màn hình và RAM. Bước cuối cùng là đóng case và cắm các loại dây kết nối lại vào case.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét